Dịch bệnh khiến việc di chuyển của con người trở nên bất tiện và khó khăn. Việc đi du lịch, tham quan và trải nghiệm vẫn là vấn đề khó khăn ngay cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên việc ứng dụng các công nghệ sẽ giúp con người được trải nghiệm nhiều hơn ngay cả khi ở nhà.
Mới đây Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cho ra công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour. Công nghệ này được tích hợp trên website vnfam.vn. Nó cho phép người dùng ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể tự do khám phá không gian trưng bày của bảo tàng. Đây là một trong những ứng dụng giúp kết nối cộng đồng. Đồng thời cũng là cầu nối quan trọng giúp bảo tàng tiếp cận và giới thiệu nét đẹp văn hóa đến với công chúng. Để cập nhật thêm thông tin về công nghệ này, mời bạn tham khảo nội dung sau của chúng tôi.
Công nghệ tham quan trực tuyến 3D là cầu nối giúp bảo tàng Việt Nam tiếp cận công chúng
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các bảo tàng và di tích vẫn phải tạm dừng đón khách tham quan thì công nghệ chính là cầu nối hữu hiệu nhất để các di tích và bảo tàng có thể tiếp cận với công chúng.
Với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh, công chúng ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng. Được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật; được nghe lời giới thiệu chung về các chủ đề trưng bày. Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra.
Các tác phẩm được tái hiện một cách sống động và ấn tượng
Đặc biệt, video với độ phân giải cao giới thiệu hai Bảo vật quốc gia: Phật bà Quan Âm thế kỷ XVI và bức Bình phong của họa sỹ Nguyễn Gia Trí. Chúng được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh và câu chuyện. Từ đó giúp du khách được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp; cảm nhận giá trị lịch sử; nghệ thuật của những kiệt tác này.
Trải nghiệm video về bức sơn mài của danh hoạ Nguyễn Gia Trí; tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, cho hay: “Sự ra đời của bức tranh; giá trị mỹ thuật; lịch sử và cả giá trị di sản văn hoá phi vật thể của nghề sơn mài hiện đang phát triển ở Việt Nam được tóm lược diễn giải một cách sinh động kết hợp với kỹ thuật quay và giọng đọc truyền cảm. Tôi thích cách giới thiệu các hiện vật bảo tàng nói chung và các kiệt tác nghệ thuật nói riêng kiểu thế này. Vừa là giải trí vừa có cơ hội học hỏi nhiều điều bổ ích.”
Ý nghĩa của việc áp dụng công nghệ tham quan trực tuyến 3D
Tour tham quan trực tuyến hoàn toàn miễn phí. Đây là nỗ lực và kết quả của quá trình nghiên cứu, phát triển ý tưởng và triển khai thực hiện của các cán bộ bảo tàng; cùng sự chung tay giúp sức của các đồng nghiệp và bạn bè trong nước và quốc tế; với mong muốn truyền cảm hứng; lan toả tình yêu với nghệ thuật và di sản; và đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn; phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Trước đó, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (24/6/1966 – 24/6/2021), ngày 24/6, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở triển lãm trực tuyến “Mạch nối” tại địa chỉ vnfam.vn, giới thiệu những tác phẩm của các nghệ sĩ đã và đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Những tác phẩm và tên tuổi nổi tiếng có mặt tại bảo tàng
Trong triển lãm này, các tác phẩm của thế hệ cán bộ đầu tiên của Bảo tàng gồm nhiều họa sĩ; nhà điêu khắc; được giới thiệu trong Bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng. Đó là các tác phẩm kinh điển, nổi tiếng của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại như: Học hỏi lẫn nhau (Sơn dầu, Nguyễn Đỗ Cung); Tô Vĩnh Diện chèn pháo (Sơn mài, Dương Hướng Minh); Hoa sống đời (Gỗ, Tạ Quang Bạo); Hạnh phúc (Sành, Nguyễn Trọng Đoan)…
Các thế hệ nghệ sĩ tiếp theo cũng đóng góp nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao. Có thể kể đến như: Đồi yên lặng (Sơn mài, Cao Trọng Thiềm); Trăng về sáng (Lụa, Nguyễn Văn Chung); Đêm Hội An (Khắc gỗ, Trần Nguyên Đán)… Những nghệ sĩ tiếp nối cũng đã khẳng định một hướng đi, một con đường riêng của mình. Có thể kể đến như Vườn (Sơn dầu, Nguyễn Bình Minh); Trăng về đêm (Giấy dó, Nguyễn Xuân Tiệp); Sự ám ảnh của thời gian (Gốm, Nguyễn Khắc Quân)…
Triển lãm phong phú về đề tài và chất liệu thể hiện, chứa đựng tình cảm chân thành; giàu tính hiện thực; đậm chất nhân văn. Một số tác phẩm trong triển lãm đạt tới khả năng khái quát tư duy cao mang phong cách cá nhân rõ nét.